Ưu nhược điểm của các loại máy giặt

Ưu nhược điểm của các loại máy giặt

Hiện nay trên thị trường có khá nhiều hãng máy giặt khác nhau, tuy nhiên mẫu máy giặt được dùng phổ biến hiện nay chỉ là những hãng có tên tuổi như Electrolux, Sanyo, LG, Panasonic… Theo tìm hiểu trên thị trường hiện nay có 3 loại kiểu dáng máy giặt phổ biến đó là kiểu lồng đứng, lồng ngang và lồng nghiêng. Với mỗi kiểu dáng thì có những tính năng và chế độ khác nhau, phù hợp với tất cả nhu cầu từ cao cấp đến bình dân.
Một điểm đặc biệt có thể dễ dàng nhận thấy rằng, giá cả của máy giặt khá đa dạng, từ mức giá thấp nhất chỉ là 3- 8 triệu, có loại trên 10 triệu, 20 triệu… Lý do của sự chênh lệch này chỉ yếu là do thương hiệu và phụ thuộc phần lớn vào tính năng sử dụng.
Đối với máy giặt lồng đứng: Đây là loại máy giặt phổ biến nhất bởi giá cả phải chăng, chỉ từ 3 – 8 triệu đồng. Đặc biệt rất phù hợp với những gia đình có không gian và vị trí đặt máy chật hẹp, bởi kiểu dáng gọn gàng, nắp mở rộng, thuận tiện cho người sử dụng trong việc đưa quần áo vào giặt. Loại máy này thường được thiết kế với kiểu dáng đơn giản, với chế độ hẹn giờ, cài đặt các chế độ giặt tự động. Dung lượng của dòng sản phẩm này có các loại 5 – 7 – 8 kg. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, máy giặt loại này lại có rất nhiều nhược điểm gây ảnh hưởng đến túi tiền và thời gian của người tiêu dùng.
Nhược điểm lớn nhất của loại máy giặt này là rất tốn nước và điện năng tiêu thụ cao, tiếng ồn lớn. Ngoài ra, việc sử dụng loại máy giặt này đôi khi chúng ta phải hoà xà phòng với nước cho tan hết rồi đổ trực tiếp lên quần áo, hoặc phải ngâm cho vết bẩn mềm ra. Bởi nếu không làm như vậy, thì đôi khi giặt xong xà phòng bị đọng lại trên quần áo và vết bẩn sẽ khó sạch.
Còn đối với máy giặt lồng ngang: Thường phù hợp với những gia đình có diện tích và vị trí đặt máy rộng. Ưu điểm lớn nhất của máy giặt loại này là rất nhiều  tính năng và chế độ giặt. Bạn có thể lựa chọn chế độ giặt nhanh (với đồ không quá bẩn), giặt trước (giúp bạn không phải giặt tay trước ở ngoài), giặt không vắt, chế độ giặt dành cho đồ cotton, sợi tổng hợp, len hay đồ giặt tay. Ngoài ra, loại máy giặt này còn có hệ thống giặt phun mưa, nước nóng.
Với những tính năng trên, bạn có thể yên tâm vì quần áo của cả gia đình sẽ được giặt sạch nhất, kể cả những vết bẩn “lì lợm” nhất. Đặc biệt, loại máy giặt lồng ngang này có dung tích lớn, tiết kiệm nước và điện, giảm thiểu tiếng ồn. Tốc độ vắt cực nhanh, thuận tiện cho những ngày trời rét, mưa, không có ánh nắng. Nhược điểm của loại máy giặt này là thời gian giặt lâu, giá thành sản phẩm khá cao, thường hơn 10 triệu đồng. Vị trí đặt máy cần rộng hơn so với máy đứng.
Riêng về máy giặt lồng nghiêng: Đặc điểm loại máy giặt này là có tốc độ vòng quay lớn và tác động giặt 3 chiều, nên đã làm tăng hiệu quả giặt sạch. Ngoài ra, loại máy giặt này có bộ phận tạo sóng siêu âm có khả năng tạo bọt khí, đường cấp nước giặt vào máy hòa tan nhanh xà phòng giúp cho việc thẩm thấu đồ giặt dễ dàng. Đặc biệt loại máy này cũng khá tiết kiệm điện năng, giá cả khá phù hợp, chỉ từ 5 triệu đến 8 triệu đồng. Tuy nhiên, nhược điểm của loại máy giặt này là khi vắt, mức độ phát ra tiếng ồn hơi cao.
Ngoài ra, khi đã chọn được sản phẩm ưng ý, phù hợp với nhu cầu của từng gia đình thì việc sử dụng hiệu quả và bảo vệ máy giặt bền lâu cũng là một điều người tiêu dùng cần chú ý. Theo đó, không nên lắp đặt máy trong phòng tắm hoặc những nơi ẩm thấp, nơi bị hắt mưa hay có ánh nắng mặt trời soi trực tiếp. Vị trí đặt máy không thích hợp sẽ làm giảm tuổi thọ của máy, gây ra những trục trặc, máy hoạt động sai lệch hay thậm chí bạn có thể bị điện giật. Bạn cũng không nên để máy trong bếp vì các chất dầu mỡ,chất mặn bám vào vỏ máy sẽ làm gỉ vỏ máy.
Nơi lắp đặt máy giặt phải bằng phẳng, vững chắc, đảm bảo máy được đặt cân đối, tránh trường hợp khi máy chạy có thể gây ra tiếng ồn, độ rung bất thường. Đặc biệt, đường dây cấp điện, đường nước cấp nước thải nên để càng gần nơi đặt máy càng tốt.
Nguồn: tổng hợp từ intetnet